Trong khi ngày càng nhiều người gặp khó khăn về việc làm thì những bạn trẻ chọn học ngành Tang lễ ở Trung Quốc lại có nhiều cơ hội với thu nhập ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.
Nhu cầu về nhân lực của ngành Tang lễ hàng năm ở Trung Quốc là khoảng 10.000 người, trong khi số lượng người được đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc chỉ khoảng 500 - 600 người/năm. Điều này có nghĩa là sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học lạ này có cơ hội việc làm rất lớn.
Ngành Tang lễ bắt đầu ra đời từ năm 1995. Theo báo cáo từ Xinhua, từ năm 2009, ngành Tang lễ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và nghề dân sự tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã có tỷ lệ về thí sinh đạt kỷ lục, đó là 5:1. Trong những năm qua, ngôi trường này đã cung cấp gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp cho ngành Tang lễ trên toàn Trung Quốc.
Theo một thống kê từ trang The Paper của Trung Quốc, quốc gia này hiện chỉ có 5 trường đào tạo chuyên ngành "Công nghệ và Quản lý Tang lễ hiện đại". Trong những năm gần đây, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành này của các trường nêu trên chỉ khoảng 500 đến 600 sinh viên.
Theo đề cương do Bộ Giáo dục Trung Quốc xây dựng cho chuyên ngành kỳ lạ này, thời gian học là 3 năm. Để có thể tốt nghiệp chuyên ngành Tang lễ, các sinh viên cần phải học tập thường xuyên và hoàn tất 4 phần chính, bao gồm: Thiết bị, dịch vụ, bảo quản thi hài và nghĩa trang.
Các môn học liên quan đến ngành học này giúp sinh viên có thể học và hiểu được nghi thức trong các đám tang hiện đại. Sinh viên theo học ngành này không những có thể vận hành một nhà hỏa táng, trang điểm cho người đã khuất, mà còn biết cách đối đãi, điều hòa cảm xúc với người thân và bạn bè của người quá cố.
Trong những năm gần đây, ngành Tang lễ đã phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng. Một mặt, với sự phát triển cùng nhu cầu của xã hội, số lượng các cơ sở dịch vụ và nhân viên trong ngành Tang lễ ở trung Quốc đã tăng lên trong vòng một thập kỷ qua.
Ngoài ra, các hình thức kinh doanh mới cũng đang lần lượt xuất hiện để đáp ứng thị hiếu của người dân.
Thách thức từ ngành học Tang lễ là gì?
Dù ngành Tang lễ đang có sự phát triển nhanh chóng và nghề này cũng đang được nhiều bạn trẻ săn đón, nhưng những người theo học ngành học này vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức.
Cụ thể, công việc của những người làm trong ngành Tang lễ rất nặng nhọc. Trong đó, có một số loại công việc phải tiếp xúc với xác chết như vận chuyển thi hài, trang điểm cho người đã khuất, hỏa táng.... Thậm chí, khi tiếp xúc người chết, họ cũng có rủi ro mắc các bệnh truyền nhiễm từ thi thể.
Trương Vũ, một sinh viên tốt nghiệp ngành Tang lễ ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) chia sẻ rằng ban đầu, ngoài nỗi sợ khi chạm vào xác của người đã khuất, điều khiến anh lo lắng hơn cả chính là thái độ của những người xung quanh. Tuy nhiên, Trương Vũ cho biết, anh không cảm thấy có sự khác biệt giữa sinh viên học Tang lễ với những chuyên ngành khác.
Trương Vũ chia sẻ rằng "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật chung của con người, vậy nên cần có những người làm công việc này.
Mức lương trong ngành Tang lễ cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng không phải là ngành nghề được trả lương cao nhất. Tuy nhiên, hàng năm, sinh viên tốt nghiệp ngành này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu của thị trường lao động.
Theo China News Weekly, trong một cơ sở như nhà tang lễ, mức lương hàng tháng của sinh viên đi làm dưới một năm chủ yếu là từ 4.000 – 8.000 NDT. Tuy nhiên, tuỳ từng công việc sẽ có mức lương khác nhau. Cụ thể, công việc càng tiếp xúc gần thi hài người quá cố thì thu nhập càng cao, ví dụ như người vận chuyển thi hài, trang điểm...
Thần học ở ĐH Harvard: Ngành học gì mà thu nhập có thể lên tới 1,5 tỷ mỗi năm?
Lưu Manh Manh (sinh năm 1999) chọn học ngành Tang lễ vì lý do rất đơn giản. Năm 2018, do không đạt thành tích tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học nên cô đã đăng ký học chuyên ngành này dưới sự gợi ý của người thân. "Tôi nghe nói ngành Tang lễ có xuất xứ từ Nhật Bản nên tôi đã đăng ký theo học", Lưu Manh Manh cho biết.
Theo Lưu Manh Manh chia sẻ, trong lớp của cô có nhiều bạn nữ hơn nam, chiếm khoảng 70%. Sau khi tốt nghiệp, có một người bạn cùng phòng với Lưu Manh Manh đã đi làm công việc trang điểm cho người chết.
Công việc này đôi khi người làm nghề này còn phải trang điểm cho những người chết do tai nạn hoặc đã chết từ lâu nhưng sau đó mới được phát hiện, nên ban đầu hơi sốc.
"Ban đầu tôi không thể chấp nhận được. Nhưng sau một thời gian, thấy người nhà của những người quá cố rất cảm kích công việc "tu sửa" của mình nên tôi thấy đây là một công việc có ý nghĩa và vẫn kiên trì thực hiện", Lưu Manh Manh cho biết.
Manh Manh hiện rất hài lòng với công việc hiện tại khi có thể chi trả tiền ăn, ở, được đi làm sớm, ổn định và quan trọng nhất là giúp đỡ được người khác. Đối với cô gái trẻ này, việc học và làm trong ngành Tang lễ rất có ý nghĩa.