Hiện nay nhu cầu mua bán, chuyển nhượng đất đai của người dân ngày càng nhiều. Tuy nhiên việc chuyển nhượng đất đai đòi hỏi cần đáp ứng những điều kiện nhất định, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nhiều thắc mắc rằng đất nghĩa trang, nghĩa địa có được chuyển nhượng không? Mỗi loại đất sẽ có mục đích sử dụng khác nhau, vậy khi muốn chuyển nhượng đất nghĩa trang, nghĩa địa sẽ cần đáp ứng những điều kiện nào? Bạn đọc hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về quy định này, tại nội dung bài viết dưới đây, hi vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẽ sẽ hữu ích với bạn đọc.
Đất nghĩa trang, nghĩa địa là gì?
Đất nghĩa địa hay đất nghĩa trang là diện tích đất được sử dụng nhằm mục đích xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa chôn cất hay làm nhà hỏa táng được quy định trong Luật đất đai thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Luật đất đai quy định đất nghĩa trang, nghĩa địa là đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy hoạch đúng với mục đích sản xuất của nó. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thực tế hơn, hiện nay trên địa bàn nước ta vẫn tồn tại rất nhiều khu đất nghĩa trang, nghĩa địa tự phát do người dân tự lập nên mà không phải do quy hoạch của nhà nước.
Đất nghĩa trang, nghĩa địa có được chuyển nhượng không?
Tại Điều 192 Luật Đất đai năm 2013 có quy định những trường hợp bị cấm chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm những trường hợp sau đây:
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
– Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
– Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Từ những căn cứ trên cho thấy, như đã nêu về khái niệm thì đất nghĩa trang thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và khi xét thấy không thuộc các trường hợp bị cấm chuyển nhượng nêu trên, người dân hoàn toàn có thể tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua bán) và nhận tặng cho quyền sử dụng đất khi đảm bảo các điều kiện về nhận tặng cho và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo đó tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về điều kiện chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất như sau:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này
– Đất không có tranh chấp
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án
– Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, người dân sẽ được nhận chuyển nhượng qua hình thức mua bán và tặng cho đất nghĩa trang, đất nghĩa địa khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và không vi phạm phải những điều bị cấm chuyển nhượng, nhận tặng cho. Khi mua đất nghĩa trang, nghĩa địa người dân cần hết sức lưu ý xem quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hay chưa, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn và thành thị cũng như diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương để tiến hành làm các thủ tục chuyển nhượng, tách thửa chuyển nhượng hay nhận tặng cho đất nghĩa trang, đất nghĩa địa sao cho phù hợp quy định của pháp luật. Nhà nước cũng rất nghiêm cấm việc lập nghĩa trang, nghĩa địa trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nếu làm sai thì người dân sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đất nghĩa trang nghĩa địa có được cấp sổ đỏ hay không?
Luật đất đai 2013 quy định đất nghĩa địa được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và không nhằm mục đích kinh doanh.
Bên cạnh đó Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 cũng quy định các trường hợp mà Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:
- Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý;
- Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức, UBND xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông; công trình dẫn nước; nghĩa trang, nghĩa địa…. không nhằm mục đích kinh doanh;
Có thể thấy, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, đất nghĩa trang nghĩa địa không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đối với phần đất nghĩa trang; nghĩa địa tự phát của người dân mà không nằm trong quy hoạch; kế hoạch sử dụng đất của nhà nước làm đất nghĩa trang; nghĩa địa và người sử dụng đất ở khu vực đó đáp ứng được các yêu cầu về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn được cấp sổ đỏ.
Thông thường những khu nghĩa địa; nghĩa trang thường tự phát trên những khu vực đất mà nhà nước chưa có kế hoạch sử dụng; và công tác thanh tra kiểm tra không được thường xuyên và kỹ lưỡng. |